Ngành gỗ Việt nam Được đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm liên quan tới gỗ, nhưng bài toán nguyên liệu đang ngày một trở nên hóc búa hơn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Tại Hội nghị thường niên Đối tác Lâm nghiệp năm 2015 mới đây, Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ mỹ nghệ TP.HCM (Hawa), ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải đối mặt với xu hướng gia tăng bảo hộ của các nước đối tác.
Nhọc nhằn giấc mơ thế giới
Theo thống kê của Hawa, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của cả nước trong năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD; đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất khu vực châu Á. Đó là cơ sở để ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, “giấc mơ đẹp” này có khả năng gặp phải những trở lực khách quan trong thời gian tới.
Cụ thể, theo các quy định Quản lý Nhà nước và Thương mại về rừng theo tiêu chuẩn châu Âu (FLEGT), sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp và gỗ chưa được xác minh. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo luật pháp Việt Nam hoặc được cấp chứng chỉ quản lý rừng của bên thứ ba đáng tin cậy.
Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp. Song, phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta hiện có quy mô vừa và nhỏ, thường mua gỗ của dân không lưu lại hồ sơ. Giấy tờ mua bán không có hoặc có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ…
Hiện nay, đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó thị trường Mỹ – thị trường lớn nhất – chiếm tới 35,6% trong năm 2014, tương đương 2,234 tỷ USD. Với nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gỗ khá lớn và ngày càng tăng, Mỹ được kỳ vọng là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất đối với thị trường Mỹ hiện nay là thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Theo ông Hạnh, xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện đang có điểm bán phá giá là 6/8, đây là ngưỡng điểm an toàn, nhưng với triển vọng phát triển như hiện nay, nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ là có thật.
Để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tích cực tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, như ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Mifaco, chia sẻ: “Doanh nghiệp còn nhiều lúng túng trong việc tìm thị trường mới. Như thị trường Nga, có 3 ngành được khuyến khích là gỗ, thủy sản và may mặc. Thế nhưng, những quy định của Nga về nhập khẩu gỗ cũng rất vướng”.
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền nêu lên một thách thức khác: các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m3 gỗ/năm, chiếm 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Về giá trị, theo số liệu của cơ quan hải quan, Việt Nam nhập 1,639 tỷ USD gỗ nguyên liệu trong năm 2014. Trong bối cảnh giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia…
Đường về thị trường nội cũng gập ghềnh
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu. Nên đối với thị trường nội địa nhiều doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ như… người xa quê lâu ngày. Thời hạn thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế lại đã cận kề, làm cho đường về của các doanh nghiệp nội trở nên dài hơn.
Thách thức lớn đầu tiên đối với doanh nghiệp đồ gỗ trong nước từ cuối năm 2015 khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, là việc hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN sẽ có thuế suất 0%. Việc chi phí hàng nhập khẩu sẽ giảm là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp đồ gỗ nói riêng của Việt Nam trên chính sân nhà mình.
Ông Hạnh phân tích, nếu nhìn sang các nước ASEAN, chỉ có hai nước có khả năng trở thành “đối thủ” của Việt Nam là Thái Lan và Malaysia, vì họ đã có sẵn các nhà máy chế biến gỗ tại nước ta. Trong đó, Thái Lan đã lên kế hoạch thâu tóm những siêu thị, đại lý phân phối sản phẩm nên họ có khả năng vừa sản xuất, vừa bán được hàng của mình ngay tại thị trường Việt Nam.
Nhìn tổng quan thì “số ít” các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên “số đông” doanh nghiệp trong nước. Được trang bị đầy đủ đội ngũ thiết kế, lại có năng lực tài chính, hiểu biết về thị trường quốc tế nên khối doanh nghiệp FDI có tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50% của cả ngành (tương đương 2,8 tỷ USD).
Ông Lê Đức Nghĩa, Giám đốc Điều hành Công ty An Cường thừa nhận: “Các doanh nghiệp Việt thua hẳn về thiết kế, nên việc hưởng lợi từ các giá trị gia tăng còn hạn chế. Sản phẩm làm ra khó thuyết phục khách hàng. Giải pháp của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là thuê các chuyên gia thiết kế nước ngoài, phí được tính trên tỷ lệ % số lượng sản phẩm. Trung bình, chi phí thiết kế một sản phẩm có thể lên đến 15.000 USD. Gánh nặng phí thiết kế vì vậy cũng hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt”.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận ra lợi ích khổng lồ từ việc đầu tư cho đội ngũ thiết kế. Đây là điều không thể thiếu trong công cuộc hội nhập, vì nó trao cho chính doanh nghiệp quyền quyết định giá sản phẩm khi có thể chuyển từ gia công (OEM) sang sản xuất trực tiếp (ODM).
Năm vừa qua, An Cường đưa đội ngũ thiết kế sang tập huấn dài ngày tại các nước châu Âu, Mỹ, Ý… để tìm hiểu nguyên liệu, thói quen người dùng bản địa để nắm bắt thị hiếu khách hàng. Theo ông Nghĩa, đây cũng chỉ là một cố gắng bởi thực tế trình độ thiết kế của Việt Nam vẫn có khoảng cách với các nước quá xa.
Tất nhiên, sẽ không dễ dàng để triển khai sản xuất theo phương thức ODM, nhưng thực tế cũng cho thấy, đã có một số doanh nghiệp chuyên ngành nội thất Việt Nam mạnh dạn với hướng đi này. Có lẽ đây cũng là con đường tất yếu nếu muốn thoát khỏi tình trạng làm gia công.
theo VietBao.vn