Hoa Kỳ, Trung Quốc bỏ trên 4 tỷ USD nhập khẩu gỗ của Việt Nam

Thông tin trên được 4 tổ chức gồm Forest Trends, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến Gỗ thành phố Hồ Chí Minh công bố sáng ngày 27.3 tại hội thảo “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững”.

Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), năm 2017 kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỉ USD (tăng 12,6% so với năm 2016), 300 triệu USD còn lại trong số 8 tỷ là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như “sản phẩm mây tre, cói và thảm. Mức kim ngạch này, ngành đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.
 
 
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017. Ảnh: IT
 
Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn quốc gia có kim ngạch đạt cao nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỉ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường.
 
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, riêng Hoa Kỳ chiếm 40,2% tương đương 3,08 tỷ USD, tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 13,6% so với 2016; Trung Quốc chiếm 14,2%, tương đương 1,085 tỷ USD, , tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 5,7% so với 2016.
 
 
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017. Ảnh: IT
 
Đánh giá về mức tăng trưởng của ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: “đây là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính. Mở rộng xuất khẩu theo hướng tăng cả lượng và chất là tín hiệu quan trọng phản ánh sự dịch theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.
 
Có một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó bao gồm tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc. Suy thoái kinh tế năm 2008-2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesian – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.
 
Mặc dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất, tuy nhiên theo phân tích của TS Tô Xuân Phúc, ngành có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt trên 2 tỉ USD. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
 
Các thị trường lớn khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang có những động thái nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới.
 
Theo Đình Thắng (Dân Việt)
Hotline Facebook Zalo youtube